Đang tải...
Tin tức
Ngay đầu năm mới 2024, một không gian dành riêng cho các sản phẩm làng nghề và đặc sản vùng miền được đưa vào hoạt động ở trung tâm thương mại sầm uất tại TP.HCM.
Không gian "OCOP Town" - Tinh hoa Việt Nam vừa được khai trương tại Trung tâm thương mại Vincom Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM - nơi đang có sự hiện diện của hàng trăm thương hiệu thời trang đẳng cấp, mỹ phẩm quốc tế - đã tạo ra sự thích thú cho người dân, du khách.
OCOP Town nằm ở tầng B3 của tòa nhà, các sản phẩm làng nghề và đặc sản vùng miền có mặt ở đây đều khá quen thuộc với người dân như gốm Bát Tràng lụa đũi Nam Cao, bánh pía Sóc Trăng, mật ong, nem chua, nông sản cùng gia vị truyền thống... của các làng quê đạt chuẩn OCOP.
Nhiều du khách còn thích thú trải nghiệm các sản phẩm văn hóa truyền thống như tò he, đồ dùng mây, tre, lá...
Ông Lê Trung Liêm, giám đốc điều hành Công ty cổ phần Không gian gốm Bát Tràng - một trong những làng nghề có gian hàng tham gia ở đây - cho biết toàn bộ các sản phẩm gốm Bát Tràng được giới thiệu đều sản xuất thủ công, vẽ tay của nghệ thuật làm gốm truyền thống.
Ngoài làm quà tặng, các sản phẩm còn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn trang trí nhà cửa dịp Tết với ý nghĩa phúc lộc.
Quy tụ được nhiều sản phẩm truyền thống vào một không gian sẽ giúp khách du lịch có thêm điểm đến để lựa chọn, mua sắm.
Các doanh nghiệp cũng cho biết OCOP Town không chỉ là nơi có thể trưng bày và giới thiệu sản phẩm đến đông đảo du khách, mà còn là không gian diễn ra các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm làng nghề đi xa hơn, quảng bá sâu rộng về xuất xứ địa lý, thương hiệu sản phẩm tiêu biểu.
Các doanh nghiệp tham gia gian hàng đều được hỗ trợ chi phí mặt bằng, nên dù nằm ở vị trí đắc địa nhưng giá các sản phẩm ở đây không cao hơn so với những điểm bán khác.
Đây là một trong những OCOP Town được khai trương tại chuỗi trung tâm thương mại Vincom ngay đầu năm 2024. Dự kiến thời gian tới, mô hình này sẽ được triển khai đồng loạt trên cả nước, giới thiệu các sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống dân tộc, phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách trong và ngoài nước.
Việc xây dựng một không gian riêng dành cho các sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương của nhiều vùng quê trên khắp Việt Nam ngay trong các trung tâm thương mại sầm uất được cho là hướng đi mới để thúc đẩy, nâng cao giá trị hàng Việt.
Bởi theo các doanh nghiệp, những trung tâm thương mại lớn ở TP.HCM hằng ngày đón tiếp hàng chục nghìn lượt khách ghé thăm, là điểm hội tụ để du khách trong và ngoài nước tìm kiếm các sản phẩm truyền thống của Việt Nam.
Riêng trong mùa mua sắm cuối năm, nhiều sản phẩm làng nghề còn đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của người dân, kích cầu tiêu dùng hiệu quả.
Nguồn: tuoitre.vn
Lễ hội truyền thống làng Bát Tràng vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cũng như nhiều năm trước, hội làng Bát Tràng luôn rộn ràng, đậm đà bản sắc dân tộc và chào đón một lượng lớn du khách.
TTO - Gốm Bồ Bát (làng Bạch Yên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) tưởng đã 'ngủ vùi' từ lâu, nay đã hồi sinh từ bàn tay nghệ nhân trẻ 37 tuổi Phạm Văn Vang.
Thế kỷ 18, 19 đầy biến động, nghệ nhân làng gốm Bát Tràng không rõ có cám cảnh thời cuộc mà vẽ điển tích ‘Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi’ trong ‘Chiến Quốc sách’ để gửi vào một tiếng thở dài…
Xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) nổi tiếng với nghề làm gốm sứ có lịch sử 10 thế kỷ qua.
Hội làng Bát Tràng chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Làng gốm nổi tiếng này thu hút du khách với các sản phẩm gốm sứ tinh tế.